“Bí kíp” tự tư vấn cho chính mình 🙂
Có nhiều bạn gửi tin nhắn hỏi mình với nội dung tương tự nhau:
“Thầy ơi, em muốn luyện lên 6.5/7.0/7.5 trong thời gian 1/1.5/2 tháng. Thầy giúp em với.”
Mình sẽ lần lượt hỏi lại các bạn các câu hỏi sau:
(1) Vì sao bạn cần mức điểm đó? ( = Động lực của bạn có đủ mạnh không? Có sống chết với nó không?)
(2) Khi nào bạn cần đạt mức điểm đó? ( = bạn còn bao nhiêu thời gian để học?)
(3) Hiện tại bạn đang ở trình độ nào? ( = bạn sẽ cần bao nhiêu tiếng/ nỗ lực thế nào để đạt được mục tiêu đó?)
(4) Bạn có bao nhiêu thời gian cho việc học tiếng Anh mỗi tuần/ mỗi ngày? ( = Liệu bạn có đủ quỹ thời gian để làm việc đó hay không?)
Trả lời xong 4 câu hỏi trên, thường thì các bạn cũng sẽ tự nhận ra sự hợp lý của yêu cầu của các bạn, và có những điều chỉnh phù hợp cho việc học tiếng Anh và thi IELTS.
Sau rất nhiều lần trao đổi lặp đi lặp lại, mình quyết định dành một ít thời gian để viết ra bài note bên dưới để chia sẻ về việc học tiếng Anh và thi IELTS. Hi vọng phần nào giúp các bạn hiểu rõ và xác định tốt hơn mục tiêu của chính mình trong việc học ngoại ngữ.
-------------------
I. NHỮNG "SỰ THẬT" CƠ BẢN VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH & BÀI THI IELTS
1. Học một ngôn ngữ thì người học phải sử dụng được nó.
2. Người ta thường chia trình độ người học ra các cấp độ. Cách chia được sử dụng phổ biến hiện nay là theo Khung tham chiếu ngôn ngữ Châu Âu (CEFR). Có tổng cộng 6 bậc trong khung này: A1 & A2: basic users B1 & B2: independent users C1 & C2: proficient users Link tham khảo: http://www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/cefr/
3. Thời gian học ngôn ngữ là tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhưng trung bình, Cambridge thống kê cần 200 giờ học có hướng dẫn (guided learning hours) để đạt được 1 cấp độ mới. Nghĩa là, nếu bạn đang trình độ B1 (tương đương 5.0 IELTS) muốn lên B2 (6.0-6.5 IELTS), bạn cần dành trung bình 200 giờ học tiếng có hướng dẫn. Link tham khảo
4. IELTS là bài thi để xác nhận trình độ tiếng Anh của bạn. Kết quả của bài thi không có đậu hay rớt, chỉ có là bạn đang ở trình độ nào. Bạn có thể đối chiếu điểm IELTS và trình độ tiếng Anh của bạn ở đây: http://www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/cefr/
Biết được như vậy, bạn sẽ hiểu vì sao tuyệt đại đa số các chương trình đi học bậc đại học và cao hơn ở các nước nói tiếng Anh đều yêu cầu tối thiểu 6.0-6.5 IELTS - vì đó là mức điểm thể hiện bạn là một independent users (B2).
Mô tả ngắn gọn của independent users như sau:
"Can understand the main ideas of complex text on both concrete and abstract topics, including technical discussions in his/her field of specialisation. Can interact with a degree of fluency and spontaneity that makes regular interaction with native speakers quite possible without strain for either party. Can produce clear, detailed text on a wide range of subjects and explain a viewpoint on a topical issue giving the advantages and disadvantages of various options."
Tài liệu tham khảo: trích trang 24, Common European Framework of Reference for languages: Learning, teaching, and assessment. Link
Dịch nôm na: ở cấp độ B2, người học ngoại ngữ có thể hiểu được ý chính của các văn bản phức tạp với chủ đề cụ thể hoặc trừu tượng, bao gồm các nội dung mang tính kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Người học có thể tương tác với người bản ngữ ở một mức độ lưu loát nhất định và thường xuyên mà không gặp khó khăn trở ngại gì giữa hai bên. Người học có thể nói/ viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết về nhièu chủ đề và giải thích quan điểm của mình về một chủ đề cụ thể, trình bày về ưu điểm và nhược điểm của các lựa chọn/ giải pháp khác nhau trong chủ đề đó.
Nói cách khác, bạn có thể: - Đọc & nghe hiểu tốt văn bản, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn của mình - Giao tiếp tốt, tự nhiên, lưu loát với người bản ngữ - Nói và viết được về các chủ đề khác nhau; trình bày và giải thích được quan điểm của mình; phân tích được các ưu nhược điểm của một lựa chọn/ vấn đề cụ thể
Khả năng sử dụng ngôn ngữ như mô tả trên, rõ ràng là yêu cầu tối thiểu để bạn có thể theo học ở một nước nói tiếng Anh (sử dụng tiếng Anh để đọc tài liệu & nghe giảng, giao tiếp thảo luận với giáo viên và bạn học, viết bài luận và bài tập, v.v.)
KẾT LUẬN 1: - Bài thi IELTS là bài thi đánh giá trình độ ngôn ngữ của bạn. - Các trường/ tổ chức đặt ra mốc IELTS 6.0-6.5 để "hi vọng" bạn có thể có đủ năng lực ngoại ngữ để theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của họ.
II. MỘT VÀI THỰC TRẠNG HỌC & DẠY IELTS HIỆN NAY:
Dưới đây mình chỉ liệt kê một vài thực trạng quan sát thấy:
(1) Học IELTS để làm được bài thi IELTS điểm cao. Không quan tâm kỹ năng thực tế được kiểm tra của bài thi là gì. (I just want higher scores, not better skills)
(2) Cày đề IELTS liên tục để hi vọng càng làm nhiều càng lên điểm (hope that practices make perfect)
(3) Muốn có một phương pháp thần kỳ học nhanh làm đúng (just want to learn tips and tricks)
(4) Luyện tập theo khuôn mẫu bài viết và template, học list thật nhiều từ khác nhau để thay vào cho đa dạng; viết nhiều câu thật phức tạp (think that complex language is complicated language)
Kết quả là, bạn có thể đạt được mức điểm như mong muốn (6.0-6.5 and above) nhờ thủ thuật làm bài thi, nhưng bạn không hề đạt được năng lực ngôn ngữ như mô tả tương ứng của band điểm đó (independent users).
Hậu quả là, dù bạn có 6.0-6.5 and above IELTS, bạn vẫn loay hoay và vất vả với việc học và làm việc ở một nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
Vậy thì mục đích việc học và thi IELTS của bạn là để làm gì?
Nếu bạn học và thi IELTS với mục đích duy nhất là đạt đủ điểm bằng mọi giá, chắc chắn thị trường sẽ cung cấp cho bạn giải pháp "ngay lập tức". Bạn sẽ không khó khăn gì khi tìm kiếm cụm từ "dự đoán đề thi IELTS", "bộ đề thi thật quý I, II, III", "tuyệt chiêu bí quyết làm bài IELTS", "mười mẫu câu thần thánh", "từ vựng siêu cấp", "cấu trúc siêu cấp", etc. với hứa hẹn sẽ giúp bạn đạt điểm cao như mơ ước mà chẳng cần phải quá gian nan. Các nguồn đề thi mẫu này chắc chắn chưa bao giờ được cung cấp từ chính các tổ chức chính thống của bài thi, mà thường do các trung tâm luyện thi ở Trung Quốc và Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau để có được (và thường là không chính xác hoàn toàn).
Có chặng đường vinh quang nào không gian nan?
KẾT LUẬN 2: Việc tập trung quá mức vào việc thi và luyện thi đã khiến cho nhiều bạn học viên dù có điểm cao nhưng không thể sử dụng được ngôn ngữ như đáng ra họ phải làm được với mức điểm đó.
...
Bàn thêm:
Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp bạn bằng mọi giá phải đạt được mức điểm nào đó vì lý do cá nhân. Lúc đó, bạn có những lựa chọn phù hợp với tình huống đó.
Quan điểm của mình, và trong tất cả các lớp học của mình, luôn nhất quán: mình muốn giúp các bạn học viên nâng cao năng lực ngôn ngữ, và đạt được trình độ như mô tả của band điểm các bạn mong muốn, chứ không phải nhắm mắt chạy theo band điểm đó.
Do vậy, mình thường phải nói lời xin lỗi hoặc thất hẹn với những trường hợp nào chưa chia sẻ được cùng quan điểm về việc học ngữ trên với mình. Mình không có năng lực làm được điều thần kỳ đó, nên mình không thể và không dám nhận để rồi thất hứa với các bạn. Mong các bạn hiểu và thông cảm.
Một vài trường hợp đặc biệt, bạn học viên thực sự rất cần đạt band điểm đó, ý thức được mình muốn đạt đúng mô tả năng lực đó, và sẵn sàng dành đủ thời gian với cường độ cao cho việc học ngoại ngữ, lúc đó mình mới dám trả lời và nhận hướng dẫn.
Tất cả các khoá học của mình, luôn có một buổi khai giảng để nói rõ tất cả những điều trên cho học viên, và cùng học viên xác định tâm thế phù hợp. Mình không dạy cách để "crack bài thi", mình hướng dẫn các bạn để đạt đến trình độ ngôn ngữ mong muốn và biết làm sao để thể hiện trình độ đó trong bất kì bài thi nào.
Trung bình 200 giờ học cho một trình độ ngôn ngữ: - nếu mỗi ngày bạn học 8 tiếng chất lượng, bạn cần 25 ngày (1 tháng) - nếu mỗi ngày 4 tiếng, bạn cần 50 ngày (2 tháng) - nếu mỗi ngày 2 tiếng, bạn cần 100 ngày (4 tháng) - nếu mỗi ngày 1 tiếng, bạn cần 200 ngày (8 tháng) - nếu mỗi tuần 4 tiếng, bạn cần 50 tuần, là 1 năm.
Vậy thì, logic thần kỳ nào cho việc bạn chỉ cần học vài mươi tiếng đồng hồ, từ independent users (B2 - 6.0), bạn trở thành lower proficient users (C1 7.0+), thậm chí thần thánh (8.0+) thực sự?
Không có con đường tắt đến thành công. Nếu có, ai cũng đã có thể thành công ngay lập tức.
Chúc các bạn kiên trì trên con đường học ngữ của mình, và sẽ thành công.
Thân mến ./.
----------------
Chú thích: trong hình là một trang ghi chú buổi EdSpace team meeting về mentoring sessions cho người học. Chúng mình (EdSpace) không rót được chữ vào bình chứa cho các bạn, chúng mình chỉ có thể cùng bạn nỗ lực kiên trì đi đến mục tiêu đã đồng thuận. Take ownership of your own life
Comments