top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảEdSpace Team

“Lái não” của bạn như lái xe chuyên nghiệp!


[Hay làm thế nào để việc tự học của bạn luôn đúng hướng và có hiệu quả...]


Như đã có lần thủ thỉ, hồi nhỏ cô Nguyên có quá trời thú vui (trừ chuyện học). Tới lúc nhận ra mình thích học và tầm quan trọng của sự học thì ôi thôi đã qua mất cái thời có người chỉ bày hướng dẫn. Thành thử, phần lớn hành trình học tập sau này đến từ việc self-monitoring (tự giám sát), y chang việc lái xe dò đường vậy. Sau này nhìn lại, nhờ self-monitoring [1] mà cô Nguyên có thể đạt được một số những thành tựu nho nhỏ trong việc giảng dạy, trình bày hội thảo quốc tế lẫn viết bài nghiên cứu. Vậy nên cô Nguyên rất tâm đắc và luôn tự dặn lòng: nếu chưa kiếm được (và kể cả khi đã kiếm được) người dẫn dắt thì hãy là người thầy người cô của chính bản thân mình nhé ^^.


Khái niệm tự giám sát (self-monitoring) này là thuật ngữ được dùng trong việc lái xe đường bộ (car driving). Trong quá trình điều khiển xe, người lái phải cầm chắc vô-lăng và biết rõ mình muốn gì, muốn đi đâu để thực hiện các thao tác tương ứng. Tuy nhiên, trong suốt hành trình, chúng ta có thể mắc phải những tình huống phát sinh lỗi, và cần có những kỹ năng, cách phân tích và đặt câu hỏi tương ứng để xác định vấn đề và tìm ra giải pháp, tiếp tục hành trình.


Chúng ta cũng có thể hình dung việc tự học cũng giống việc lái xe đã mô tả ở trên. Lúc này, trong quá trình tự học, người học cũng phải thực hành việc tự giám sát (self-monitoring): tự quan sát và đánh giá suy nghĩ, hành động của mình trong suốt quá trình học để nhận ra điểm mạnh yếu, nguồn tài liệu phù hợp với trình độ ở thời điểm nhất định, tự điều hướng việc học liên tục, duy trì động lực học tập.


Dưới đây là bản dịch một số câu hỏi bạn có thể dùng cho chính mình trong quá trình Self-monitoring [2]. Trước tiên, hãy hình dung bản thân đang lái xe trên đường và rơi vào một trong các lỗi phổ biến sau:


*** 1. Không chú ý khi lái xe (Inattentive driving)

Chỉ cần lơ đễnh, người lái xe có thể bị lạc hoặc đi lố điểm cần đến. Tương tự như vậy, bạn cần phải chú ý vào bài học lẫn các hoạt động học tập. Hãy tự hỏi bản thân:

- Mình có đang đi đúng hướng trong việc học không?

- Mình có nên dừng lại để hỏi thêm về thông tin hay định hướng không?

- Mình có nên thay đổi cách mình đang điều khiển não bộ của bản thân hay không?

- Đích đến của việc học của bản thân là gì?

- Làm sao để mình biết được bản thân đã đến đích rồi?


*** 2. Vượt quá tốc độ (speeding)

Tốc kế giúp người cầm lái duy trì được tốc độ an toàn. Tương tự như vậy, bạn cần phải đảm bảo không chạy theo các ngoại cảnh bên ngoài mà cần xem xét khả năng của bản thân.

- Mình có nên chậm lại một chút và xem lại thông tin trước đó không?

-Mình có nên luyện tập kiến thức/ kĩ năng mới hay mình nên chắc chắn rằng mình đã hiểu kiến thức cũ rồi hẵng học cái mới?


*** 3. Không chú ý biển chỉ dẫn (Failure to yield)

Biển chỉ dẫn giúp người lái định vị một cách an toàn. Tương tự như vậy, làm theo các hướng dẫn bài tập/kiểm tra, làm việc tốt với người khác sẽ giúp bạn đạt được đích đến một cách thuận lợi.

- Mình có hiểu hướng dẫn đưa ra không?

- Mình có đang làm đúng theo hướng dẫn không?

- Mình có thể hiện sự lịch sự và kính trọng với giáo viên và bạn bè của mình không?

- Khi làm việc chung, mình có thể học được gì từ những bạn xung quanh?


*** 4. Rẽ sai hướng (make a wrong turn)

Người lái xe thi thoảng rẽ sai hướng, đặc biệt là khi họ đang đi trên con đường hoàn toàn lạ lẫm. Tương tự như vậy, bạn cần đảm bảo bản thân đang đi đúng hướng về phía sự hiểu biết.

- Có cách nào để mình kiểm tra bài làm của mình không?

- Làm sao để kết nối thông tin/kiến thức mới này với cái mình đã biết nhỉ?

- Mình có cần thêm thông tin/sự trợ giúp gì không?

- Nếu mình cảm thấy lạc lối mơ hồ trong bài học này, làm thế nào để mình có thể có được hướng đi đúng?

- Còn các cách nào khác để suy nghĩ về thông tin này hoặc giải quyết vấn đề này không?


*** 5. Bảo trì kém (poor maintenance)

Xe luôn cần được nạp nguyên liệu và bảo trì thường xuyên để vận hành được hiệu quả. Tương tự như vậy, bạn cần nạp đủ năng lượng để não bộ lẫn cơ thể được hoạt động hiệu quả.

- Mình có đang hấp thụ những thực phẩm lành mạnh giúp ích cho não không?

- Mình có uống đủ nước không?

- Mình có thời gian để tập thể dục giữa giờ không?

- Mình có ngủ đủ giấc không?


Còn các bạn thì sao, bạn đã thường xuyên đặt những câu hỏi gì để tự giám sát quá trình tự học của bản thân nhỉ? Chia sẻ cho EdSpace với nhé!


Written by Ms. Hạnh Nguyên & Tom


[1] Self-monitoring lần đầu được giới thiệu bởi Mark Snyder vào những năm 1970.

[2] Trích từ sách "Teaching Students to Drive Their Brains" - Donna Wilson, Marcus Conyers *** Bạn có thể đọc tại EdSpace Library, gặp cô thủ thư Ngáo để hỏi thăm ở ngăn nào nhé >"<

321 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page