top of page
Tìm kiếm
  • Ảnh của tác giảEdSpace Team

“Mind the gap” & Những ổ gà trên hành trình học tập

Có thể so sánh sự học như một hành trình đưa ta từ kĩ năng, kiến thức, năng lực hiện tại đến với những kĩ năng, kiến thức, năng lực mà mình mong muốn trong tương lai. Trên hành trình đó, bạn sẽ có thể không ít lần bắt gặp vào những “ổ gà” (learning gaps) [1] khiến mình chùn bước, hoặc thậm chí bỏ cuộc luôn. Hãy tìm hiểu xem những ổ gà hay gặp này là gì và cách chúng mình có thể vượt qua nhé.




Knowledge gaps - Lỗ hổng về kiến thức

Việc học thường được hiểu là tiếp thu kiến thức mới - học bài mới. Thế nhưng có một việc quan trọng không kém chúng mình thường bỏ qua: làm thế nào để nhớ kiến thức mới đó. Thử tự hỏi mình: Bạn có hay nhồi nhét từ vựng trong vòng vài ngày trước khi thi? Phương pháp học xưa giờ của bạn là chép đi chép lại từ vựng tới khi "bạn nghĩ là" mình thuộc rồi đúng không?


Nếu câu trả lời là có, vậy thì cách học của bạn chưa phù hợp để có thể chuyển hóa tất cả các kiến thức mới từ dạng trí nhớ ngắn hạn (short-term memory) sang trí nhớ dài hạn (long-term memory). Thật may là có những phương pháp học tập giúp bạn chuyển hóa phần kiến thức từ ngắn hạn sang dài hạn: luyện tập truy hồi (retrieval practice), lặp lại ngắt quãng (spaced repetition), v.v. được giới thiệu rất nhiều lần ở EdSpace chúng mình.


Skill gaps - Thiếu thực hành và ghi nhận phản hồi (feedback)

Nhớ thôi chưa đủ, bạn còn phải biết cách sử dụng kiến thức mới đó. Đã bao giờ làm đúng hết loạt từ vựng tiếng Anh trên Quizlet, nhưng vẫn không thể xài được nó trong bài viết bài nói? Bạn biết tất tần tật ngữ pháp tiếng Anh, mà vẫn trầy trật để viết một bài không sai lỗi chính tả?


Việc học sẽ không thể tròn trịa nếu bạn không lồng ghép nó với thực hành, ứng dụng, các hoạt động sai và sửa, kết nối kiến thức mới với kiến thức cũ để nhớ được lâu hơn và tự tin sử dụng thông tin mới này. Trong quá trình đó, việc nhận feedback và coaching/mentoring vô cùng quan trọng nhằm giúp bản thân không ngừng cải thiện. Do vậy, hãy lên kế hoạch cho việc thực hành và nhận feedback từ giáo viên/ mentor thường xuyên để cải thiện nhé.


Motivation gaps - Thiếu động lực học tập

Dù biết rằng mình cần cải thiện kĩ năng viết tiếng Anh, bạn vẫn chưa có đủ động lực để dành thời gian hàng tuần học một cách nghiêm túc. Đó có thể là do:

- Bạn chưa thực sự tin vào cách thức học/kết quả của quá trình học này

- Bạn không biết sự cải thiện này giúp ích được gì cho mình lâu dài

- Bạn không cảm thấy hứng thú với việc nỗ lực

- Bạn cảm thấy tốn quá nhiều công sức để duy trì một thói quen mới

- Bạn ngại thay đổi, sợ sai

- Bạn ngại bắt đầu làm một điều gì đó mới


Ở EdSpace, để giải quyết vấn đề này, các khóa học đều bắt đầu bằng một buổi "induction” (Hướng dẫn học tập). Ở đó, bạn được làm một checklist để tự vấn về năng lực và động lực hiện tại, bạn còn phải nộp kế hoạch học tập. Sau bài thi giữa kì, giáo viên và bạn sẽ cùng ngồi nhìn lại quá trình học, so sánh nó với kế hoạch học tập bạn đề ra ban đầu, và giải đáp các thắc mắc (rất nhiều trong số đó là về động lực học).


Nếu bạn lên kế hoạch tự học, bạn cũng có thể làm reflection cá nhân và viết các mục tiêu học tập kỹ lưỡng, đồng thời thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá xem mình đã làm được những mục tiêu nào. Dĩ nhiên, chúng mình sẽ cần có sự kỉ luật với bản thân tốt hơn. Mách nhỏ: bạn cũng có thể tạo/ giữ động lực học tập cho mình bằng cách tham gia các nhóm học tập thân thuộc, hoặc một cộng đồng học tập lớn hơn để cùng học hỏi và giúp nhau giữ “lửa” nữa đó.


Environment gaps - Rào cản từ môi trường xung quanh

Thiếu một không gian tạo cảm hứng học tập, quá ít thời gian trống để chuyên tâm vào việc học, hoang mang lặn ngụp trong đống tài liệu trên mạng mà không biết cái nào hay dở, không có một lộ trình học tập rõ ràng,... là một trong số các yếu tố môi trường khiến bạn ngao ngán.


Để giảm bớt các tác nhân trên, bạn có thể cố định một khung giờ học cụ thể, tìm đến các thư viện, hoặc dọn dẹp bàn học thật sạch sẽ gọn gàng trước khi bắt tay vào học. Bạn cũng có thể tham khảo các tài liệu EdSpace giới thiệu về tự học trong series Webinar trên Youtube của chúng mình và các bài sharing trước.


Communication gaps - Lỗ hổng trong việc trao đổi thông tin

Điều này có thể diễn ra khi thông tin giữa người học và người dạy không được truyền đạt đúng. Người học có thể hiểu sai hướng dẫn, hoặc do năng lực hiện tại chưa đủ để hiểu đúng kiến thức. Đồng thời, người dạy có thể chưa truyền tải thông tin phù hợp với năng lực của học viên, hoặc chưa đưa ra dẫn chứng ví dụ cụ thể để làm rõ thông tin.


Nếu cảm thấy vẫn còn lờ mờ, bạn hãy chủ động hỏi hoặc trao đổi nó với giáo viên nhé. Việc thẳng thắn nhằm mục đích cải thiện chất lượng dạy và học là điều cần thiết, vì nó giúp giáo viên biết được năng lực hiện tại của học viên. Bạn cũng lưu ý rằng các trao đổi cần hướng tới việc cải thiện tình huống hiện tại, thay vì đào sâu vào các lỗi sai của hai bên trong quá khứ.

Mong rằng việc nhận ra 5 “ổ gà” learning gaps này sẽ giúp việc học của bạn trở nên mượt mà, đầy niềm vui, và hứng khởi hơn.


Written by Ms Hạnh Nguyên & Edited by Tom

Ms. Hạnh Nguyên đang theo học ngành Education tại Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ theo học bổng Fulbright. Nguyên quan tâm tới các nghiên cứu về chính sách giáo dục và thiết kế chương trình, cũng như cách thức áp dụng kết quả nghiên cứu về lý thuyết học tập vào thực tế giảng dạy.

Bài viết được hình thành trên một dịp reflection về quyển sách “Design for how people learn” của tác giả Julie Dirksen. Khái niệm “learning gaps” được đề cập trong chương 1, và sẽ lần lượt được thảo luận và giải quyết trong các chương tiếp theo dưới góc nhìn của một người làm learning design (thiết kế học tập). Các anh chị/ bạn quan tâm có thể tìm đọc thêm chi tiết ở sách nhé ^^


Tham khảo: [1] Dirksen, J. (2015). Design for how people learn. New Riders.

134 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page